Mình đã có thể làm tốt hơn khi nộp xin việc 4 năm trước.
Nhưng biết đến Portfolio lúc này vẫn chưa muộn, và mình mong bạn không cần phải “ước ai đó đã nói với mình điều này sớm hơn.”
Chào bạn,
Hi vọng 2 tuần rồi không nhận thư mình, bạn cảm thấy bứt rứt. Chứ mình không viết cũng áy náy lắm!
Hôm nay mình đã quyết định mở một cái rương đã đầy bụi, vớ lấy vài cái sớ cũ để kể cho bạn nghe những mẩu chuyện nức tiếng về mình trong vòng tròn quen biết năm đó. Giờ nhìn lại mới thấy là mình đã ngầu lên nhiều (chí ít là mình thấy vậy).
Tụi mình bắt đầu thôi!
Cuối tháng 2, 2018, mình đáp xuống Wellington, New Zealand.
Mình đi học.
Ở được gần hai tuần mình tốn đâu đó hơn $1,200 - tiền cọc nhà, tiền thuê nhà hằng tuần, tiền ăn uống, tiền bus, tiền mua những đồ nhu yếu phẩm. Hai thứ duy nhất mà mình mua gần như là mỗi ngày khi còn ở Việt Nam mà không dám mua khi đặt chân đến New Zealand là: cà phê và trà sữa.
Một ly trà sữa = $6.5
Một ly cà phê = $5.0
Nếu mỗi ngày mình đều uống thì mình sẽ tốn $80.5 mỗi tuần. Tự nhiên mình thấy mình chật vật.
Nên mình đi tìm việc.
Tới khúc này sẽ quê lắm, nhưng mình vẫn show thôi - một trong những chiếc CV đầu tiên mình viết để đi tìm một công việc part-time.
Đầu tháng 3, 2018. Mình có việc - làm bồi bàn ở một nhà hàng Việt.
CV tào lao vậy mà cũng có việc nữa hả?
Làm gì có. Công việc mình được nhận hoàn toàn là phước ba đời ai để lại - nhờ bạn bè giới thiệu mà vào. Bạn bảo mình cứ đến vào ngày kia tháng nọ, nói chuyện với anh quản lý rồi vào thử bưng bê vài cốc nước xem sao. Cuộc “phỏng vấn” trôi qua rất vội vã, câu hỏi duy nhất mình nhớ đó là: Nhà em có anh chị em gì không?
Sau một tiếng thử việc, tuần sau mình được nhập hội bưng bê. May quá anh quản lý không thấy mặt mũi CV mình như nào, chứ khéo lại chẳng được nhận.
Mình có rải CV ở nhiều nơi khác nữa, đặc biệt là những quán trà sữa. Ngày đó với mình, được đứng lắc trà sữa, hoặc đứng scan đồ trong siêu thị là ngầu dữ lắm - giờ mình vẫn thấy vậy. Nhưng mình tuyệt nhiên không được gọi đi thử việc ở bất kỳ chỗ nào ngoài chỗ được bạn bè giới thiệu.
Mình đâu biết do CV mình tệ.
Tháng 9, 2018. Nhà hàng mình làm đóng cửa tạm thời để sửa chữa.
Mình lại nhờ bạn bè giới thiệu qua một nhà hàng khác làm tạm. Không CV, không phỏng vấn. Chỉ thử việc rồi bắt tay vào làm thôi.
Ngày trôi qua ngày mình ngoài cắm mặt vào laptop gõ assignment, thì còn cắm đầu vào đống chén ở chỗ làm, và cắm mắt vào đếm tiền, nhưng là tiền bán hàng của chủ.
Mình thấy mình cũng khá - vừa qua môn, vừa kiếm được tiền. Mất việc này có ngay việc khác.
Tháng 11, 2018. Mình quay lại nhà hàng cũ, nhưng lần này, mình sẽ trở thành quản lý.
Bất ngờ chưa?
Lý do lớn nhất mà mình được nghiễm nhiên được “nắm đầu một lũ nhân viên” là…
… không còn một bóng dáng nào trong lũ nhân viên đó cả, ngoại trừ mình.
Thế là mình trở thành quản lý đội ngũ một thành viên - từ phụ giúp gia đình chủ set up lại toàn bộ nhà hàng, liên lạc nhà phân phối, xây dựng lại các trang mạng xã hội, lên menu mới, đăng tuyển nhân sự, training nhân viên mới, và cả lau dọn toilet.
Từ đó đến giữa 2019, mình vừa học vừa làm quản-lý-tạm-thời part-time. Sau khi kết thúc môn cuối cùng của đời Đại Học, mình xắn tay áo lên và lao vào…
cùng một công việc đó, chỉ khác là giờ mình làm 50+ tiếng một tuần.
Mình nghĩ mình ngon, nên mình cũng không đi tìm việc ”đúng ngành học”.
Tháng 12, 2019. Mình tốt nghiệp, và chính thức trở thành quản lý nhà hàng.
Mình tốt nghiệp bằng cử nhân ngành Quản trị nhân sự và Marketing. Công việc quản lý nhà hàng cho mình kinh nghiệm của cả hai, nên mình ở lại.
Nhưng nếu mình bẻ nhỏ lượng công việc mỗi tuần của một quản lý nhà hàng:
Mình dành 5 tiếng để kiểm kho, đi chợ và order hàng online cho nhà hàng.
Mình dành 45 tiếng để túc trực on the floor - lấy order, pha chế, bưng bê, tính tiền. Trong 42 tiếng này, mình đóng vai bồi bàn, trừ những phút phải giải quyết những vị khách khó khăn.
Mình dành cỡ 6-8 tiếng cho việc quét nhà để chuẩn bị mở cửa mỗi ca, dọn dẹp sau khi kết ca, và lau dọn toilet.
Mình dành 30 phút để xếp lich nhân viên.
Mình dành trung bình 1 tiếng để lên content cho social media.
Lượng kiến thức thực tế và kinh nghiệm áp dụng cho mảng nhân sự và marketing của mình, chắc thua xa một bạn đi làm intern (thực tập) cho một công ty tập đoàn.
Dù có kha khá kinh nghiệm, nhưng mình chẳng biết kinh nghiệm của mình có đủ xịn không.
Tháng 3, 2020. Dịch tới, mình mất việc.
Trong lúc ở nhà cách ly, mình rải đơn đâu đó 30-40 công việc khác nhau. Mình không biết sự khác biệt giữa HR Administrator và HR Business Partner, giữa Marketing Executive và Marketing Advisor.
Nên mình cứ thấy có chữ HR và Marketing là mình bấm nộp. Vâng, một đứa không có kinh nghiệm corporate đi nộp làm Business Partner.
Mình cũng bắt đầu nộp cho Graduate programme của Big 4 - EY, PwC, KPMG, Deloitte, cái chương trình mà đáng ra phải nộp khi còn ngồi trên ghế nhà trường vào năm cuối. Nhưng có nộp sớm hơn chắc cũng chẳng đậu.
Cuối cùng, mình vào làm nhân viên siêu thị, mỗi ngày đứng scan đồ check out cho khách.
Mình cảm thấy mình rất yếu kém - cũng có chút kinh nghiệm vắt vai nhưng lại không xin được một chân vào văn phòng.
Mình không tìm được CV tầm thời điểm này của mình, nhưng mình biết là nó cũng không tốt hơn CV đầu là bao.
Tua nhanh đến lúc mình nhận được công việc HR entry level đầu tiên - tháng 5, 2022.
Tức là chỉ mới cách đây 2 năm thôi đấy. Tổng số đơn mình nộp cho đến công việc HR đầu tiên phải cỡ 180 trở lên.
Thì đây là CV lúc đó của mình, đã được giúp chỉnh sửa rất nhiều về mặt nội dung.
Giờ mình nhìn lại, thì thấy nó vẫn hơi gớm… Ôi trời nhìn cái font chữ ấy kìa.
Để diễn tả năng lượng tự tin của mình trong 4 năm đấy qua một cái đồ thị:
Đường màu xanh là lượng kiến thức và kinh nghiệm mình nghĩ mình nạp vào.
Đường màu đó là sự tự tin của mình qua thời gian.
Rõ ràng là mình học được nhiều hơn, kinh nghiệm cũng gom góp mỗi ngày - nhưng càng xin việc lại càng khó.
Nếu cho mình được phép quay lại từng thời điểm khác nhau đấy, thật ra mình cũng sẽ không làm khác đi. Mình biết ơn từng bước chập chững của 4 năm đầu ở nước ngoài. Nhưng mình mong không ai phải nói: “Mình đã có thể làm tốt hơn” hoặc “Ước gì có ai đấy nói cho mình biết những điều này sớm hơn.”
Cho nên là,
Cùng mình du hành thời gian về lại cuối năm 2020.
Mình đã là nhân viên siêu thị được tầm 7-8 tháng.
Mình đã có hơn 3 năm đi làm, trong đó hơn một năm nắm giữ vị trí quản lý nhà hàng và góp phần xây dựng thương hiệu quán qua Social media.
Mình có 3 năm học Đại học, viết hơn 30+ bài luận và làm project nhóm trên dưới 3-4 lần.
Mình thích uống cà phê và đi cà phê mỗi lúc rảnh.
Mình có rất nhiều thứ hay ho. Mình có rất nhiều chuyện để kể. Mình học cũng ổn, làm việc cũng năng suất. Mình được khen.
Mình cũng có rất nhiều điểm cần cải thiện. Mình lắng nghe. Mình sửa.
Vậy nếu ở thời điểm cuối năm 2020, mình ngồi viết lại CV, thì mình sẽ làm tốt hơn thế.
Mình sẽ làm hẳn một cái portfolio, và trông nó sẽ như thế này:
*Portfolio: a purposeful digital collection of one’s learnings, work, projects, or achievements that provides insights into one’s personality, capabilities and work ethic (Yu, 2012, Clarke University, n.d.).
Tạm dịch: Portfolio là một bộ sưu tập kỹ thuật số có mục đích, lưu lại những dự án học tập, công việc hoặc thành tựu của một người. Portfolio cung cấp cái nhìn sâu sắc về tính cách, năng lực và thái độ làm việc của người đó.
Và portfolio không chỉ dành cho những bạn designer, photographer, website builder, mà có thể dành cho tất cả mọi người.
Miễn là bạn có những câu chuyện muốn kể, và có một mục đích để bắt đầu.
Bạn có đang thắc mắc, vì sao mình lại dựng một cái portfolio cho Thảo của năm 22 tuổi,
thay vì Thảo của hiện tại với rất nhiều dự án hay ho - ví dụ như viết blog chẳng hạn?
Vì sắp tới, tụi mình sẽ chạy một cái workshop giúp bạn những bước đầu xây dựng portfolio với những gì bạn đang có.
Mình bật mí cho bạn hai bước:
Bước đầu tiên rất đơn giản: Lưu lại tất cả những gì bạn có - assignments, group projects, social posts, một bài blog, tham gia hoạt động, v.v.
Bước hai còn đơn giản hơn: Đăng ký tham gia DreamMakers Career Summit: Graduating YOU-niversity, diễn ra vào thứ 7, ngày 13/7, tại trường Đại học Victoria, Wellington.
Bạn sẽ nhận được gì:
Rất thực tế - đồ ăn miễn phí
Được nghe kể chuyện truyền cảm hứng từ chị Vinh - Senior Business Intelligence Developer
Được chọn 1 trong 2 cái workshops:
Để gặp Phương Anh, Senior UX Designer, hoặc
Để gặp Thảo, Careers Consultant
Nghe một chuyện chưa đã, sẽ được nghe tiếp 4 chuyện từ:
Vy Vũ, Assistant HR Advisor
Matthew Nguyễn, Body Corporate Manager
Vy Trần, PhD Candidate
Thắng Nguyễn, Data Analyst
Cái gì quan trọng phải nhắc lại hai lần - Đây là link mua vé (đi càng đông càng rẻ): https://events.humanitix.com/dreammakers-career-summit-2024
Còn bạn nào không ở New Zealand, thì comment hoặc email cho mình biết là mình có nên làm một bài về Portfolio không nhé :)
Nguồn:
Ti Yu. (2012). E-portfolio, a valuable job search tool for college students. https://www.hunter.cuny.edu/academicassessment/repository/files/E Portoflio a valuable job search tool.pdf
Clarke University. (n.d.). What is a portfolio? https://clarke.edu/academics/careers-internships/student-checklist/resume-writing-and-portfolios/what-is-a-portfolio/
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Chị ơi đã có bài portfolio chưa ạaaaa em hóng
Cảm ơn Thảo vì câu chuyện được kể trong bài viết, đọc xong đúng là thôi thúc người đọc xách quần lên đi làm portfolio ngay 😭 hoặc chí ít là note vội vào to-do list. Mong Thảo chia sẻ thêm về chủ đề này nha!!